Tâm mình tịnh là cõi Phật tịnh, nếu tâm mình thanh tịnh thì ngay đây là Tịnh độ. Như vậy nói xa hay gần là tùy căn cơ, người mê hay người hạ căn niệm
Tổ giải thích: Niệm Phật cầu sanh về Tây phương là vì người hạ căn; Tây phương cách chúng ta mười muôn ức cõi, nói xa như vậy là vì kẻ hạ căn.
Nếu nói gần là vì người thượng trí, nói gần là:
Tâm mình tịnh là cõi Phật tịnh, nếu tâm mình thanh tịnh thì ngay đây là Tịnh độ.
Như vậy nói xa hay gần là tùy căn cơ, người mê hay người hạ căn niệm Phật cầu sanh về Tây phương tức về một cõi xa tít mù; người ngộ hay người thượng trí niệm Phật để tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức cõi Phật thanh tịnh, vậy cõi Phật thanh tịnh ở ngay tâm thanh tịnh của mình.
Tổ lại bảo: Từ đây đến cõi Cực Lạc cách xa mười muôn tám ngàn, là chỉ cho mười ác và tám tà.
Nếu chúng ta hành Thập thiện và tu tám điều chánh (Bát chánh đạo) là chúng ta qua được mười muôn tám ngàn, đến được cõi Cực Lạc.
Cõi Cực Lạc là do chúng ta hành thiện và thấy đúng, chớ không phải do chúng ta bay qua không gian đến cõi ấy.
Tổ lại nêu vấn đề như chúng ta hiện nay ở cõi Ta-bà mê lầm tạo tội, nên cố gắng niệm Phật để sanh về Tây phương cho hết tội lỗi; Tổ bảo người mê tạo tội ở phương Đông, niệm Phật cầu sanh về phương Tây, nếu người phương Tây lỡ tạo tội, niệm Phật cầu sanh về đâu?
Chẳng lẽ cầu sanh trở lại phương Đông?
Như vậy điều cần yếu là hết tội chớ không phải cầu sanh về nơi nào.
Nếu chúng ta ở phương Đông mà hết tội thì phương Đông là Cực Lạc; nếu ở phương Đông tạo tội, cầu về phương Tây, chúng ta mang tâm tham sân si về cõi Cực Lạc thì cõi Cực Lạc cũng trở thành ô uế.
Thí dụ quí Phật tử ở thành phố ồn náo, lâu lâu lên núi thấy cảnh núi thanh tịnh, mong được lên núi cho thanh tịnh. Nếu khoảng một trăm vị lên núi, các vị này hay rầy rà gây gổ thì cảnh núi sẽ biến thành ồn náo như dưới chợ.
*** Như vậy cảnh thanh tịnh là do tâm người thanh tịnh, sự thanh tịnh cốt ở tâm mình chớ không phải ở cảnh.
Chúng ta ngày nay vì yếu đuối nên ỷ lại, niệm Phật cầu về Cực Lạc; tội lỗi không trừ dẹp, hung dữ vẫn còn, dù niệm Phật được nhiều chuỗi, thử hỏi có sanh được về cõi kia không?
Trong kinh A-di-đà có câu: “bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc”, nghĩa là không thể lấy một chút ít phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi kia.
Như vậy muốn được sanh về cõi kia, phải đầy đủ phước đức nhân duyên, tức là ngay đây phải hiền lành, phải thuần thiện mới được.
Tổ chỉ thẳng cho chúng ta phải tịnh tâm mình thì cõi này là Tịnh độ.
Nếu không tịnh tâm mà cầu sanh về cõi kia, điều đó khó thực hiện.
" Phàm ngu không rõ Tự tánh, không biết trong thân Tịnh độ, nguyện đông, nguyện tây, người ngộ ở chỗ nào cũng vậy, cho nên Phật nói: Tùy chỗ mình ở hằng được an lạc.
Sử quân, Tâm địa chỉ không có bất thiện thì Tây phương cách đây không xa. Nếu ôm lòng chẳng thiện, niệm Phật vãng sanh khó đến.
Nay khuyên Thiện tri thức trước nên dẹp trừ thập ác tức là đi được mười muôn, sau trừ tám cái tà bèn qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay, liền thấy đức Phật A-di-đà.
Sử quân, chỉ hành mười điều thiện đâu cần lại nguyện vãng sanh, không đoạn tâm thập ác thì Phật nào đón tiếp.
Nếu ngộ được đốn pháp vô sanh, thấy Tây phương chỉ trong khoảng sát-na.
Còn chẳng ngộ, niệm Phật cầu sanh thì con đường xa làm sao đến được!"
Người phàm phu ngu muội không nhận được Tự tánh của mình, ngay trong thân mình đã có sẵn Tịnh độ mà không biết, cứ cầu Tịnh độ ở ngoài.
Còn người trí ngộ được Tự tánh của mình, liền thấy Tự tánh là Tịnh độ.
Nếu chúng ta được chừng năm phút trong tâm không có niệm thương ghét buồn giận, thì ngay lúc ấy thấy đây là cõi tịnh.
Trái lại nếu trong tâm còn buồn giận thương ghét thì đến chỗ nào cũng thấy toàn là phiền não.
Vì thế chủ yếu của việc tu hành là tịnh ngay tâm mình, nhận được Tự tánh thanh tịnh của mình và sống với nó, đó là Tịnh độ.
Người không biết tu, cứ chạy tìm cầu bên ngoài, rốt cuộc không đi đến đâu, vì làm sao tìm được lẽ thật ở bên ngoài!
Ví dụ như người học trò khôn ráng học bài thuộc, đi thi đậu; người học trò biếng nhác không chịu học bài, khi gần thi lo chạy tìm các thầy giáo năn nỉ xin giúp đỡ, như vậy làm sao bảo đảm được thi đậu?
Nếu người có thiện chí giúp, ít nhất chúng ta phải có khả năng tương đương, còn dốt mà muốn thi đậu, việc ấy rất khó.
Sự tu hành cũng như thế, nếu chúng ta không siêng năng hành thiện, dẹp trừ tội lỗi mà cứ cầu sanh về Cực Lạc, chờ Phật rước, làm sao Phật rước chúng ta về cõi Phật được, không sợ chúng ta làm nhơ cõi ấy hay sao?
Như hiện nay có người hung dữ vào chùa xin tu, tuy chúng tôi phải độ người tu hành, nhưng chúng tôi phải dè dặt vì người hung dữ quá vào chùa làm ồn, chúng tu không được; huống là cõi Phật thanh tịnh mà đem những người ô uế về làm rối loạn nơi thanh tịnh sao?
Thế nên phải biết rõ, điều cốt yếu là phải tịnh ngay tâm mình, đó là Tịnh độ...
Hòa Thượng , Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Trích trong : Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải .
COMMENTS